Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ

Tin tức - sự kiện

Khoa Y tổ chức sinh hoạt khoa học

Sinh hoạt khoa học là nhiệm vụ của mỗi giảng viên nhằm nâng cao nhận thức về chuyên môn nghiệp vụ và bổ sung kiến thức mới để cập nhật với tình hình bệnh tật hiện nay. Xuất phát từ vấn đề trên, kết hợp với sự hướng dẫn của phòng Khoa học quốc tế, khoa Y đã tổ chức sinh hoạt khoa học với chủ đề “Tình hình nhiễm khuẩn Whitmore” do ThS. Lê Hồng Yến trình bày.
Buổi sinh hoạt khoa học diễn ra dưới sự chủ trì của trưởng khoa – BS.CKII. Lương Đình Hội và tham dự của đại diện phòng Khoa học & Quốc tế cùng với sự tham gia đầy đủ của các giảng viên trong khoa.
Tác giả đã trình bày những vấn đề liên quan đến bệnh Whitmore: Trong thời gian gần đây nhiều trường hợp người mắc loại vi khuẩn “Ăn thịt người”, rất nhiều trang báo và trên các kênh thông tin đại chúng đã đưa tin khiến cho người dân vô cùng hoang mang, lo sợ về loại vi khuẩn này. Tuy nhiên, theo những tài liệu khoa học đã nghiên cứu thì vi khuẩn Whitmore không thật sự nguy hiểm như vậy.
Tác giả cung cấp một số kiến thức liên quan đến vi khuẩn Whitmore và hội chứng Melioidosis. Melioidosis (bệnh Whitmore) do trực khuẩn Gram âm Burkholderia pseudomallei tồn tại trong môi trường đất, nước, không khí. Nhưng vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và chất sát khuẩn chứa clo.

Ca nhiễm bệnh Whitmore đầu tiên được phát hiện tại Burma, Myanmar vào năm 1911 bởi nhà khoa học người Anh tên là Alfred Whitmore  (vì thế tên bệnh thường được gọi là Whitmore).
Biểu hiện triệu chứng lâm sàng của bệnh đa dạng, bao gồm: sốt với các kiểu như sốt theo cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run; sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng. Bệnh không gây thành dịch, nhưng dễ tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời, có tỷ lệ tử vong cao, đặc biệt ở những người mắc bệnh mãn tính, suy giảm sức đề kháng. Bệnh gặp ở tất cả các độ tuổi, ở cả nam và nữ; gặp nhiều hơn ở người có nghề nghiệp tiếp xúc trực tiếp và thường xuyên với đất, nước bị ô nhiễm. Bệnh dễ bị mắc ở những người có các bệnh mãn tính như đái tháo đường, thận, phổi, suy giảm miễn dịch.

Những điều cần lưu ý để phòng bệnh Whitmore:
– Mang khẩu trang mọi lúc, mọi nơi khi có nguy cơ.
– Ăn chín uống sôi, đảm bảo dùng nước sạch (đã khử khuẩn bằng clo).
– Mang ủng, giày, găng tay khi tiếp xúc với bùn đất và nhất là khi có vết thương trầy xát.
– Vệ sinh tay chân sạch sẽ sau khi tiếp xúc với bùn đất.
– Tránh chơi, bơi ở vùng bùn lầy, đất bẩn, đất nông nghiệp, ao tù nước đọng, ao nuôi cá, nuôi tôm,… nhất là vùng đang có ca bệnh.
– Nếu bị xây xát trong khi chơi, làm việc cần vệ sinh sạch sẽ vết thương với xà phòng, chuyển lên trạm y tế để xử lý phù hợp (sát khuẩn, tiêm SAT, dùng kháng sinh tùy mức độ,…) và theo dõi tiến triển thành mưng mủ, sưng đau,… để chẩn đoán, điều trị đúng bệnh.
Sau khi nghe xong tác giả trình bày, các thành viên trong khoa đã ghi nhận đầy đủ nội dung và nhận thấy đây là một thông tin rất quan trọng, cần thiết đối với các thầy thuốc. Nhưng để làm rõ hơn một vài vấn đề các thầy, cô  đã đưa ra một số ý kiến:
1. Vì sao Whitmore lại nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao và cao bao nhiêu?
2. Làm thế nào để phát hiện sớm, chính xác bệnh trong thời gian nhanh nhất?
3. Thuốc điều trị đặc hiệu vi khuẩn này là thuốc nào?
Các câu hỏi do các thầy, cô đưa ra đã lần lượt được tác giả trả lời, giải đáp chi tiết, rõ ràng giúp các thầy cô hiểu sâu hơn về bệnh và cơ chế nhiễm bệnh của vi khuẩn Whitmore.

Sinh hoạt khoa học là một buổi học tập thú vị dù bất kỳ ở lĩnh vực nào, vì kiến thức của một con người là những giọt nước, kiến thức của nhân loại là một biển cả mênh mông, do vậy không bao giờ chúng ta thỏa mãn với kiến thức đã có để dừng lại mà phải “Học, học nữa, học mãi”.
BSCKII. Lương Đình Hội
Tin khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *