Trang thông tin điện tử Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ

Văn bản trường

Ban hành Quy định công tác quản lý học sinh, sinh viên thực tập, thực tế tại cơ sở

QUYẾT ĐỊNH

V/v ban hành Quy định công tác quản lý học sinh, sinh viên

thực tập, thực tế tại cơ sở

————

              HIỆU TRƯỞNG TRƯỜNG CAO ĐẲNG DƯỢC PHÚ THỌ

Căn cứ Quyết định số 42/2007/QĐ-BGDĐT, ngày 13 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc Ban hành Quy chế học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hệ chính quy;

Căn cứ Quyết định số 5616/QĐ-BGDĐT ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc thành lập Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ;

Căn cứ quy chế tổ chức và hoạt động của Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ;

Xét đề nghị của Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm, Trưởng khoa Y, Trưởng phòng Đào tạo.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định công tác quản lý học sinh, sinh viên thực tập, thực tế tại cơ sở (có Quy định kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 3. Các ông (bà) Trưởng các phòng, khoa, trung tâm, bộ môn, giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập và học sinh, sinh viên chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

Nơi nhận:

–          Như điều 3;

–          Ban Giám hiệu;

–          Thông báo trên Website Nhà trường;

–      Lưu VT, TTTN.

HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)

TS. Hà Quang Lợi

—————————————————————–

QUY ĐỊNH

Công tác quản lý học sinh, sinh viên thực tập, thực tế tại cơ sở

(Ban hành kèm theo Quyết định số 936A/QĐ – CĐD ngày 23 tháng 10 năm 2015

của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ)

—————————-

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

  1. Quy định này áp dụng cho tất cả học sinh, sinh viên (HSSV) đang học tập tại Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ.
  2. Học sinh, sinh viên đi thực tập tốt nghiệp, thực tập lâm sàng, thực tế cơ sở (sau đây gọi chung là thực tập) phải chịu sự quản lý về mọi mặt của Nhà trường, của các cơ sở thực tập và có nghĩa vụ thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nội quy, quy định tại cơ sở thực tập.

Điều 2. Mục đích, yêu cầu của công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở

  1. Mục đích

Quy định này nhằm tạo cơ sở pháp lý để các đơn vị chức năng trong Nhà trường phối hợp với các cơ sở thực tập ngoài trường (gọi chung là cơ sở thực tập) trong việc quản lý, hướng dẫn và hỗ trợ cho HSSV tiếp thu kiến thức chuyên môn, rèn luyện kỹ năng tay nghề và thực tế tại cơ sở thực tập được tốt, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để HSSV phát huy năng lực chuyên môn của bản thân, vận dụng tốt nhất những kiến thức đã được học tại trường vào môi trường thực tiễn.

  1. Yêu cầu

Thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị chức năng của Nhà trường, đặc biệt là Trung tâm Thí nghiệm, Khoa Y, Khoa chuyên môn, phòng Đào tạo, phòng Giáo vụ, phòng CTHSSV Nhà trường với các cơ sở thực tập để thực hiện tốt các yêu cầu, nội dung thực tập của HSSV tại cơ sở:

– Nắm bắt tình hình HSSV thực tập tại cơ sở, kịp thời phối hợp giải quyết những vấn đề có liên quan đến HSSV thực tập.

– Có sự phối hợp chặt chẽ và thường xuyên giữa nhà trường với các cơ sở thực tập để kịp thời xử lý vi phạm của HSSV thực tập tại cơ sở.

– Hỗ trợ cho HSSV có điều kiện thực tập tốt nhất, đảm bảo cho HSSV có điều kiện tiếp thu tối đa kiến thức, kỹ năng, hoàn thành mọi nội dung thực tập theo yêu cầu của nhà trường.

Chương 2

TRÁCH NHIỆM VÀ NGHĨA VỤ CỦA HỌC SINH, SINH VIÊN

THỰC TẬP TẠI CƠ SỞ

Điều 3. Trách nhiệm của HSSV thực tập tại cơ sở

  1. Học sinh, sinh viên phải thực hiện việc đăng ký cơ sở thực tập với nhà trường trước mỗi kỳ thực tập.
  2. Đối với HSSV đề nghị nhà trường liên hệ cơ sở thực tập phải làm đơn xin đăng ký thực tập (theo Biểu mẫu TTTN BM01). Đối với trường hợp HSSV được nhà trường cho phép tự liên hệ cơ sở thực tập phải có đơn xin đăng ký thực tập, và phải được lãnh đạo cơ sở đó đồng ý tiếp nhận vào đơn trước khi nộp cho nhà trường (theo Biểu mẫu TTTN BM02); đồng thời phải đảm bảo rằng cơ sở thực tập đó hoàn toàn đáp ứng các yêu cầu của nhà trường trong việc hướng dẫn các nội dung thực tập theo quy định.
  3. Học sinh, sinh viên phải chấp hành tốt mọi nội quy, quy định của Nhà trường và cơ sở thực tập trong thời gian thực tập. Không được tự ý thay đổi địa điểm thực tập đã đăng ký khi chưa có sự đồng ý của Nhà trường. Trong trường hợp vì lý do bất khả kháng phải thay đổi cơ sở thực tập thì phải được sự đồng ý của lãnh đạo nhà trường (chỉ được đăng ký lại trước hoặc trong 01 ngày đầu tiên của kỳ thực tập có thời gian thực tập ≤ 03 tuần, trước hoặc trong vòng 02 ngày đầu tiên của kỳ thực tập có thời gian thực tập ≥ 04 tuần)  và phải làm thủ tục đăng ký lại cơ sở thực tập.
  4. Tuyệt đối không được can thiệp vào công việc nội bộ của cơ sở thực tập, không được tự tiện sử dụng các trang thiết bị, sao chép tài liệu, dữ liệu hoặc các phần mềm của cơ sở thực tập khi chưa được lãnh đạo cơ sở thực tập và cán bộ hướng dẫn trực tiếp cho phép.
  5. Mỗi HSSV cần phải có sổ nhật ký thực tập để ghi chép các công việc đã làm hàng ngày tại cơ sở. Tìm hiểu và thực hiện việc ghi chép đầy đủ, trung thực các nội dung thực tập theo đúng yêu cầu của nhà trường (cuối mỗi kỳ thực tập nhà trường sẽ kiểm tra sổ nhật ký thực tập).
  6. Thực hiện việc đền bù cho cơ sở thực tập trong trường hợp vô tình hay cố ý làm mất mát, hỏng vỡ các dụng cụ, trang thiết bị, tài sản của cơ sở thực tập.
  7. Kết thúc kỳ thực tập, mỗi HSSV phải tổng hợp những thông tin đã tìm hiểu được tại cơ sở thực tập, vận dụng những kiến thực chuyên môn đã được học để giải quyết vấn đề và vận dụng thực tiễn để viết thành báo cáo thực tập theo mẫu của nhà trường.

Điều 4. Nghĩa vụ của HSSV thực tập tại cơ sở

  1. Học sinh, sinh viên thực tập tại cơ sở phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định hiện hành của Quy chế học sinh, sinh viên trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hệ chính quy do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.
  2. Thực hiện nghĩa vụ của thực tập sinh tại cơ sở, chấp hành nghiêm chỉnh sự phân công, sắp xếp, điều động của cơ sở thực tập. Không được tự ý thay đổi khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo cơ sở và cán bộ hướng dẫn.
  3. Thu thập thông tin chuyên môn tại cơ sở thực tập theo yêu cầu của nhà trường một cách đầy đủ, trung thực.

Chương 3

CÔNG TÁC QUẢN LÝ HỌC SINH, SINH VIÊN THỰC TẬP TẠI CƠ SỞ

Điều 5. Trách nhiệm của Ban Giám hiệu nhà trường

  1. Giữ mối quan hệ tốt với lãnh đạo các cơ sở thực tập, thường xuyên trao đổi thông tin với lãnh đạo cơ sở để nắm bắt tình hình, điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên hướng dẫn thực tập tại cơ sở.
  2. Phê duyệt kế hoạch thực tập hàng năm cho các khóa HSSV của nhà trường và chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện.
  3. Chỉ đạo và phân công, bố trí cán bộ giảng viên của nhà trường phối hợp với cơ sở trong việc quản lý, giảng dạy và hướng dẫn HSSV thực tập tại cơ sở.
  4. Có cơ chế phù hợp đối với các cơ sở thực tập, giáo viên hướng dẫn thực tập tại chỗ để tạo điều kiện cho HSSV thực tập tại cơ sở đạt hiệu quả cao.

Điều 6. Trách nhiệm của Trung tâm Thí nghiệm, khoa Y, bộ môn Dược lý

Hiệu trưởng Nhà trường giao cho Trung tâm Thí nghiệm và bộ môn Dược lý, thuộc khoa Chuyên môn quản lý công tác thực tập của HSSV thuộc ngành Dược; khoa Y có trách nhiệm quản lý công tác thực tập của HSSV thuộc ngành Y (Y sĩ, Điều dưỡng). Cụ thể:

  1. Tham mưu với Hiệu trưởng về kế hoạch hoạt động công tác quản lý, phân công HSSV thực tập tại các cơ sở thực tập hàng năm của nhà trường và tổ chức thực hiện.
  2. Căn cứ vào kế hoạch chung của Nhà trường, lập kế hoạch cụ thể hàng năm cho từng khóa HSSV để thực hiện công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở, tổ chức thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, của nhà trường về công tác thực tập của HSSV; thông báo kế hoạch thực tập của nhà trường tới các lớp HSSV thuộc khối ngành được giao quản lý, hướng dẫn các thủ tục đăng ký thực tập cho HSSV trước mỗi đợt thực tập. Tổ chức việc chia nhóm, phân công địa điểm thực tập, lập vòng quay thực tập cho HSSV.
  3. Xây dựng nội dung thực tập; các loại biểu mẫu, báo cáo thực tập, sổ thực tập theo đúng quy định của nhà trường cho các đối tượng thuộc khối ngành được giao quản lý.
  4. Phối kết hợp với phòng Giáo vụ, phòng Đào tạo, phòng Công tác Học sinh, sinh viên (CTHSSV), giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập trong việc xây dựng kế hoạch, phổ biến, quán triệt, hướng dẫn các quy định của nhà trường về công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở.
  5. Lập sổ theo dõi HSSV đi thực tập tại cơ sở theo nhóm/ kỳ (đợt), cập nhật đầy đủ, kịp thời việc thay đổi cơ sở thực tập của HSSV.
  6. Kết thúc mỗi kỳ thực tập, tổ chức thu báo cáo, sổ thực tập của HSSV theo từng lớp; phân công giáo viên có đủ điều kiện về trình độ chuyên môn, năng lực, phẩm chất để đánh giá kết quả thực tập của HSSV một cách đầy đủ, chính xác, trung thực, kịp thời căn cứ trên nhận xét, đánh giá của cơ sở thực tập và chất lượng của những thông tin HSSV thu thập được tại cở sở được thể hiện trong báo cáo, sổ thực tập. Thông báo kết quả đánh giá thực tập tới các lớp HSSV, nhận các thông tin phản hồi từ HSSV và thực hiện việc bổ sung, chỉnh sửa kết quả đánh giá (trong trường hợp cần thiết).
  7. Thực hiện việc tính điểm và vào điểm thực tập cho HSSV vào trong sổ điểm (lưu tại phòng Giáo vụ) và phiếu điểm theo đúng quy định của nhà trường.
  8. Đối với thực tập Dược lâm sàng, do đặc thù đây là phần thực hành của môn học Dược lâm sàng. Nhà trường giao cho bộ môn Dược lý, thuộc khoa Chuyên môn xây dựng, hướng dẫn các nội dung thực tập cho HSSV; xây dựng các loại biểu mẫu, báo cáo, sổ thực tập có liên quan; tổ chức việc thu báo cáo, sổ thực tập của HSSV; phân công giảng viên trong bộ môn đánh giá kết quả thực tập, tính điểm, vào điểm trên sổ điểm (lưu tại phòng Giáo vụ), phiếu điểm cho HSSV sau khi kết thúc mỗi kỳ thực tập theo đúng quy định của nhà trường.
  9. Về lưu trữ: Sau khi đánh giá kết quả thực tập, báo cáo thực tập, sổ thực tập của HSSV thuộc khối ngành Dược được lưu trữ tại kho của Trung tâm Thí nghiệm; thuộc khối ngành Y (y sĩ, điều dưỡng) được lưu trữ tại khoa Y theo đúng quy định về lưu trữ hồ sơ, tài liệu.

Điều 7. Trách nhiệm của phòng Đào tạo, Giáo vụ, Khảo thí

  1. Tham mưu với Ban Giám hiệu Nhà trường về xây dựng kế hoạch đào tạo, trong đó có kế hoạch thực tập của HSSV theo từng khóa học, năm học;
  2. Phối hợp với Trung tâm Thí nghiệm, khoa Y trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch thực tập của HSSV theo đúng quy định hiện hành.
  3. Theo dõi việc vào điểm thực tập cho HSSV sau khi kết thúc mỗi đợt thực tập.

Điều 8. Trách nhiệm của phòng Tài chính Kế toán

Tham mưu với Hiệu trưởng về mặt tài chính có liên quan đến công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở. Theo dõi và thực hiện việc thanh quyết toán kinh phí đào tạo cho các cơ sở thực tập theo hợp đồng đã ký kết, kinh phí bồi dưỡng cho giáo viên hướng dẫn, giáo viên chấm báo cáo thực tập (nếu có) theo đúng quy định của nhà trường.

Điều 9. Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập

  1. Phổ biến, quán triệt, triển khai nội dung các văn bản của nhà trường về công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở đến HSSV lớp mình chủ nhiệm trước khi HSSV bước vào kỳ thực tập.
  2. Quán triệt HSSV chấp hành mọi nội quy, quy định của nhà trường và cơ sở thực tập trong thời gian HSSV đi thực tập; hỗ trợ, hướng dẫn cho HSSV lớp mình chủ nhiệm trong công tác đăng ký cơ sở thực tập với nhà trường.
  3. Phối hợp với các đơn vị chức năng của nhà trường trong việc theo dõi HSSV lớp mình trong suốt thời gian thực tập tại cơ sở. Căn cứ việc thực hiện nội quy, quy định của nhà trường và cơ sở thực tập, tuân thủ việc đăng ký địa điểm thực tập và thực tập đúng nơi đã đăng ký làm cơ sở để đánh giá điểm rèn luyện cuối học kỳ cho HSSV theo đúng quy định.

Chương 4

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 10. Khen thưởng

  1. Các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý HSSV thực tập tại cơ sở được nhà trường khen thưởng theo đúng quy định.
  2. Học sinh, sinh viên có thành tích xuất sắc, hoàn thành tốt các nội dung thực tập tại cơ sở, được lãnh đạo cơ sở thực tập biểu dương tùy từng mức độ cụ thể sẽ được nhà trường xem xét tính vào điểm đánh giá kết quả thực tập hoặc xét khen thưởng theo đúng quy định hiện hành.

Điều 11. Kỷ luật

  1. Các đơn vị, cá nhân vi phạm Quy định quản lý công tác thực tập của HSSV tại cơ sở, tùy theo mức độ sẽ bị nhà trường xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.
  2. Đối với HSSV:

Bị nhà trường hủy kết quả thực tập khi vi phạm một trong các lỗi sau đây: không đăng ký cơ sở thực tập; thực tập không đúng nơi đã đăng ký; không đi thực tập, hoặc thực tập không đủ thời gian bị nhà trường phát hiện (nhưng vẫn có xác nhận và đánh giá của cơ sở thực tập); nộp báo cáo thực tập không đúng thời gian quy định; bị cơ sở thực tập xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên trong thời gian thực tập; không được cơ sở nhận xét, đánh giá kết quả thực tập; nội dung, số liệu trong báo thực tập không trung thực, không phản ánh đúng thực tế về tổ chức và hoạt động của cơ sở thực tập; giả mạo chữ ký, con dấu, kết quả đánh giá của lãnh đạo cơ sở; sao chép y nguyên nội dung, kết quả thực tập của người khác, nhờ người khác chép hộ báo cáo.

Tất cả các trường hợp vi phạm trên HSSV phải thực hiện việc đi thực tập lại và phải tự chịu toàn bộ kinh phí phải chi trả cho cơ sở thực tập, đồng thời tùy từng mức độ vi phạm sẽ bị nhà trường xử lý kỷ luật theo quy định tại khoản 1 điều này.

HIỆU TRƯỞNG

(Đã ký)

TS. Hà Quang Lợi

Tin khác

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *