KẾ HOẠCH
Triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2016 tại trường Cao đẳng Dược Phú Thọ
Căn cứ Kế hoạch số 20/KH-BGDĐDT ngày 12 tháng 01 năm 20116 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo về việc triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2016;
Trường Cao đẳng Dược Phú Thọ xây dựng kế hoạch tuyên truyền, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại nhà trường năm 2016 với các nội dung cụ thể như sau:
- MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Mục đích
– Nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục an toàn giao thông trong các cơ sở giáo dục, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp của ngành giáo dục được giao tại Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ về tăng cường thực hiện các giải pháp trọng tâm đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
– Giúp toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên nắm vững, tuân thủ mọi biện pháp an toàn khi tham gia giao thông.
– Thay đổi căn bản nhận thức của toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên trong nhà trường đối với công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng cùng với các nhiệm vụ về phát triển kinh tế – xã hội.
– Giáo dục thói quen cư xử có văn hóa, đúng luật pháp, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên; tạo môi trường giao thông trật tự, an toàn, văn minh, thân thiện làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong mỗi người khi tham gia giao thông..
– Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả công tác phối hợp của nhà trường với chính quyền địa phương và các đoàn thể chính trị trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
- Yêu cầu:
– Bám sát nội dung, yêu cầu của Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ; kết hợp lồng ghép giáo dục an toàn giao thông vào các giờ học chính khóa và các hoạt động ngoại khóa, các cuộc vận động, các phong trào thi đua của nhà trường.
– Tăng cường phối hợp, phát huy vai trò của các tổ chức trong nhà trường, đặc biệt là tổ chức Đoàn Thanh niên trong việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho học sinh, sinh viên trong toàn trường.
– Xây dựng mối quan hệ, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng ngoài nhà trường, đặc biệt là Công an, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, và chính quyền địa phương để tăng cường công tác quản lý và tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên về đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
– Bổ sung, hoàn thiện các điều kiện đảm bảo cho công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong nhà trường; Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo Đoàn, Hội và Website của nhà trường,… để nâng cao hiệu quả của công tác giáo dục an toàn giao thông.
– 100% học sinh, sinh viên phải nghiêm túc thực quy định đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy; không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông; thực hiện mặc áo phao khi đi đò, thuyền.
- NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC
- Bảo trật trật tự, an toàn giao thông đường bộ
– Giáo dục học sinh, sinh viên nắm vững các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, với các nội dung trọng tâm là:
– Quy định về điều kiện được điều khiển xe mô tô, xe gắn máy.
– Các kỹ năng điều khiển xe mô tô, xe gắn máy và phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện an toàn và việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm.
– Quy định về nồng độ cồn trong máu hoặc trong hơi thở khi điều khiển mô tô, xe gắn máy.
– Phổ biến cho học sinh, sinh viên các kiến thức về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông; cảnh báo các lỗi vi phạm thường mắc phải, nguy cơ tai nạn và hậu quả phải gánh chịu khi vi phạm; văn hóa khi tham gia giao thông.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt
– Tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định về việc bảo đảm an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là các hành vi bị nghiêm cấm như sau:
-Phá hoại công trình đường sắt, phương tiện giao thông đường sắt, tự ý di chuyển hoặc làm sai lệch các công trình, thiết bị báo hiệu, biển báo hiệu cố định trên đường sắt; treo, phơi, đặt vật làm che lấp hoặc làm sai lạc tín hiệu giao thông đường sắt; không vưọt qua đường ngang khi đèn đỏ đã bật sáng, vượt rào ngăn giữa đường sắt với khu vực xung quanh, để vật chướng ngại vật, chất dễ cháy, chất dễ nổ trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn giao thông đường sắt.
-Đi, đứng, nằm, ngồi trên nóc toa xe, đầu máy, bậc lên xuống toa xe; đu bám, đứng, ngồi hai bên thành toa xe, đầu máy, nơi nối giữa các toa xe, đầu máy; mở cửa lên, xuống tàu, đưa đầu, tay, chân và các vật khác ra ngoài thành toa xe khi tàu đang chạy; đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt, ném đất, đá hoặc các vật khác lên tàu hoặc từ trên tàu xuống.
- Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa
-Tuyên truyền, giáo dục học sinh, sinh viên khi đi đò phải mặc áo phao hoặc sử dụng cặp phao, dụng cụ cứu sinh; chấp hành nghiêm túc các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng phương tiện.
-Tùy vào điều kiện cụ thể của từng cơ sở giáo dục tổ chức dạy bơi cho học sinh, sinh viên; Tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn đuối nước trong học sinh, sinh viên. Đặc biệt quan tâm vào mùa mưa lũ việc tổ chức cho học sinh, sinh viên khi đi tham quan, dã ngoại tuyệt đối an toàn…
III. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền đến toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên, xây dựng ý thức chấp hành Luật giao thông ngay từ đầu năm học
– Tổ chức công tác tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông trong cả năm học, đặc biệt tăng cường vào trước các dịp nghỉ lễ, các đợt hoạt động lớn của đất nước, địa phương và nhà trường: Quốc khánh 02/9 và khai giảng năm học, ngày 20/11, dịp nghỉ tết Nguyên đán, giỗ tổ Hùng Vương, trước khi nghỉ hè ….
– Tổ chức tuyên truyền, kí cam kết giữa nhà trường với học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học (trong tuần sinh hoạt công dân đầu năm) với nội dung về nâng cao trách nhiệm giáo dục về nội dung ATGT cho học sinh, sinh viên khi tham gia giao thông.
– Tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức: thông qua các chuyên trang, chuyên mục trên các báo Đoàn, Hội và Website của nhà trường
– Một số khẩu hiệu tuyên truyền ATGT trong năm học:
+ “Quan sát an toàn khi vượt qua đường sắt”;
+ “Chấp hành quy định an toàn khi đi đò”;
+ “An toàn giao thông – trách nhiệm của mỗi người”.
+ “Hãy nói không với rượu, bia khi tham gia giao thông”.
+ “Đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy”.
+ “Tuân thủ quy định tốc độ khi lái xe”.
+ “Thay đổi văn hóa giao thông bắt đầu từ chính bạn”.
– Tăng cường các biên pháp quản lí, giáo dục ý thức cho học sinh, sinh viên. Triển khai có hiệu quả vai trò của Đoàn Thnah niên, xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm để tạo ý thức cho học sinh, sinh viên ngay từ đầu năm học.
- Tăng cường công tác phối hợp trong quản lí, xử lí, giáo dục ATGT
– Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác phát hiện, xử lí các trường hợp vi phạm ATGT trong toàn trường.
– Nhà trường phối hợp chặt chẽ với Công an, chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo trật tự ATGT.
– Nhà trường tăng cường công tác phối hợp với lực lượng chức năng, tổ chức các buổi tuyên truyền, nói chuyện chuyên đề về công tác đảm bảo ATGT, kĩ năng đảm bảo ATGT.
- Triển khai xây dựng đội tuyên truyền ATGT tại nhà trường
– Tổ chức triển khai mô hình xây dựng đội tuyên truyền Luật giao thông trong từng lớp. Theo đó, mỗi lớp sẽ thành lập 01 đội tuyên truyền ATGT: thành lập nhóm, xây dựng nội dung tuyền truyền, tổ chức tuyên truyền trong lớp vào 01 giờ sinh hoạt của tháng.
- CÔNG TÁC TRIỂN KHAI THỰC HIỆN, KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ THI ĐUA KHEN THƯỞNG
– Tổ chức các diễn đàn, tọa đàm chuyên đề tại các buổi sinh hoạt lớp trong toàn trường về các hành vi bị cấm khi tham gia giao thông, về nguyên nhân các vụ tai nạn giao thông và các kỹ năng tham gia giao thông an toàn để cán bộ, giáo viên và HSSV toàn trường nhận thức hiểu rõ, chấp hành tốt các quy định khi tham gia giao thông ; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, sân khấu hóa, viết bài, tuyên truyền về an toan giao thông đạt 100% cán bộ, giáo viên và học sinh sinh viên tham gia đạt kết quả cao.
– Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên các báo Đoàn, Hội và Website của Nhà trường.
– Phối hợp với Đoàn thanh niên, Hội sinh viên thành lập các nhóm, đội thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích đảm bảo an toàn giao thông; tổ chức cho HSSV tham gia các hoạt động phân luồng vào giờ cao điểm để bảo đảm trật tự an toàn giao thông khu vực cổng Trường và phối hợp với các hoạt động tình nguyện của địa phương về an toàn giao thông.
– Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông cho HSSV; đa dạng hoá, nâng cao chất lượng các hình thức giáo dục an toàn giao thông ngoại khoá cho HSSV như: Tổ chức lễ ra quân, các hoạt động sân khấu hóa, thi tìm hiểu Luật giao thông đường bộ và lái xe mô tô an toàn…
– Quán triệt tới toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên thực hiện nghiêm túc quy định không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông, quy định về đội mũ bảo hiểm khi điều khiển và ngồi trên xe mô tô hoặc xe gắn máy. Nghiêm túc tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông.
– Tổ chức cho học sinh, sinh viên kí cam kết thực hiện tốt các vấn đề về an toàn giao thông.
– Phối hợp cùng Đoàn Thanh niên quyết tâm xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”, tránh trường hợp ùn tắc giao thông vào các giờ cao điểm ở cổng trường.
– Phối kết hợp cùng với lực lượng công an phường và lực lượng Đoàn thanh niên giải toả các hàng quán xung quanh cổng trường để đảm bảo an toàn giao thông, không ùn tắc vào các giờ cao điểm.
– Xây dựng và áp dụng các mô hình an toàn giao thông như:
+ Toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên phải tuân thủ mọi quy định của luật ATGT.
+ Tổ chức cho học sinh, sinh viên trong toàn trường kí cam kết nghiêm túc thực hiện việc điều khiển xe gắn máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không dàn hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông.
– Phối hợp cùng Đoàn Thanh niên hướng dẫn học sinh, sinh viên trong toàn trường các kĩ năng khi tham gia giao thông như: kĩ năng lái xe an toàn; cách chọn mũ bảo hiểm có chất lượng; cách xử lí các tình huống có nguy cơ xảy ra tai nạn; chạy đúng làn đường, đúng tốc độ, chấp hành các tín hiệu đèn báo…
– Tổ chức cho các em học tập và tìm hiểu về an toàn, phòng tránh tai nạn đuối nước.
– Tổ chức cho toàn thể cán bộ, giáo viên và học sinh, sinh viên kí cam kết không vi phạm luật ATGT. Xác định nội dung đảm bảo trật tự ATGT là tiêu chí thi đua, khen thưởng của nhà trường. Ban chỉ đạo sẽ đưa ra những quy định cụ thể việc xử lí kỉ luật phù hợp với các trường hợp vi phạm để răn đe, giáo dục, thông báo công khai trong toàn trường, trong các cuộc họp để cùng rút kinh nghiệm và thực hiện.
Trên đây là kế hoạch thực hiện triển khai công tác giáo dục an toàn giao thông trong trường học năm 2016, Ban Giám hiệu nhà trường yêu cầu Thủ trưởng các khoa, phòng, trung tâm, bộ môn giáo viên chủ nhiệm, cố vấn học tập các lớp và các em học sinh, sinh viên trong toàn trường tổ chức, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nội dung trên./.
Nơi nhận:
– Như trên; – Ban Giám hiệu; – Website Nhà trường; – ĐTN-HSV; – Lưu HC,CTHSSV. |
KT. HIỆU TRƯỞNG
PHÓ HIỆU TRƯỞNG (Đã ký) Ths. Phan Thị Mai Hương |