Tuổi trẻ như một chuyến tàu rực rỡ, không ngừng lăn bánh qua những mùa nắng gió, những năm tháng học trò. Học kỳ quân sự (môn học Giáo dục quốc phòng và an ninh) với chúng tôi, những cô, cậu sinh viên – là một hành trình trưởng thành đầy màu sắc.
Trong suốt kỳ học quân sự, chúng tôi được khoác lên mình bộ quân phục màu xanh rắn rỏi và giản dị để được hóa thân thành những “chiến sĩ” đúng nghĩa. Mỗi buổi sáng, tiếng còi lệnh vang lên báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Chúng tôi rèn luyện thể lực, học các tư thế chiến đấu, tìm hiểu về các loại vũ khí và kiến thức quốc phòng – an ninh. Trước khi được thực hành, chúng tôi được học lý thuyết về Phòng chống chiến lược “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với Việt Nam, Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên, Xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, Một số vấn đề cơ bản về dân tộc và tôn giáo, Những vấn đề cơ bản về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, Đường lối quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước Việt Nam về bảo vệ an ninh chính trị, kinh tế, văn hóa, tư tưởng, Chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Kết hợp phát triển kinh tế – xã hội với tăng cường, củng cố quốc phòng và an ninh, Đội ngũ đơn vị, Giới thiệu và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng một số loại vũ khí bộ binh, Kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương. Giảng viên – những người thầy mặc áo lính – truyền đạt rất tỉ mỉ, nghiêm khắc nhưng vô cùng tận tâm, giúp chúng tôi dễ hiểu và không còn cảm thấy quá áp lực,…
Những buổi tối sinh hoạt tập thể cùng hát vang dưới ánh đèn, cùng kể chuyện, chơi trò chơi, chia sẻ cảm xúc – đó là những ký ức đẹp nhất, giản dị mà sâu sắc nhất của tuổi trẻ. Không có điện thoại, không mạng xã hội – chỉ còn lại chúng tôi, sống chậm, sống thật và sống trọn từng khoảnh khắc.
Và khoảnh khắc không thể quên trong kỳ quân sự chính là chuyến ngoại khóa kết thúc khóa học – một hành trình khám phá lịch sử và văn hóa vô cùng thú vị và ý nghĩa. Chúng tôi được tham quan ba địa điểm nổi bật: Làng cổ Đường Lâm, Thành cổ Sơn Tây; Bảo tàng lịch sử Quân sự Việt Nam.
Tại làng cổ Đường Lâm – nơi được mệnh danh là “bảo tàng sống” của kiến trúc làng quê Bắc Bộ, chúng tôi như được quay ngược thời gian về với quá khứ. Những ngôi nhà cổ bằng đá ong, giếng nước, sân đình và cổng làng rêu phong đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một làng quê truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc. Không khí trong lành, yên bình cùng với sự thân thiện của người dân nơi đây khiến chúng tôi cảm nhận rõ nét giá trị văn hóa lâu đời của đất nước.
Tiếp đó, thành cổ Sơn Tây – một công trình quân sự bằng đá ong độc đáo – đưa chúng tôi đến với lịch sử hào hùng của cha ông. Dưới bóng những cây cổ thụ rợp mát, chúng tôi nghe giảng về quá trình xây dựng, vai trò và ý nghĩa chiến lược của thành cổ trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Được tận mắt chứng kiến những dấu tích lịch sử, chúng tôi không chỉ hiểu hơn về truyền thống dân tộc mà còn thêm tự hào và trân trọng những giá trị đã được giữ gìn qua nhiều thế kỷ.
Điểm dừng chân cuối cùng – Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam – là nơi khơi dậy lòng yêu nước mãnh liệt trong mỗi người. Qua các hiện vật, hình ảnh và tư liệu quý giá, chúng tôi được tìm hiểu sâu hơn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những tấm gương anh hùng đã hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc. Những chiếc xe tăng, máy bay, vũ khí cùng các di vật chiến tranh như đưa chúng tôi sống lại những năm tháng khói lửa hào hùng. Từ đó, mỗi người lại thêm ý thức được vai trò của thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.
Tôi nhận ra học kỳ quân sự đã dạy chúng tôi rất nhiều điều: sống có kỷ luật, biết sẻ chia, biết yêu thương, biết trân trọng những giá trị của hòa bình, biết tự hào về những trang sử hào hùng của dân tộc. Đó là những trải nghiệm không có trong giáo trình, không thể học qua sách vở, mà chỉ có thể cảm nhận bằng trái tim.
Sau này, cuộc sống cuốn ta đi với những ca trực, những ngày thực tập bận rộn… nhưng chắc chắn tôi sẽ không thể quên cảm giác háo hức khi nhận quân phục, không thể quên những ngày nắng đổ lửa bên sân tập, không thể quên hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió giữa những gương mặt trẻ trung, rạng rỡ nhất.
Học kỳ quân sự với chúng tôi là một cột mốc, một hồi ức và cũng là một lời nhắc: hãy ghi dấu những tháng ngày thanh xuân bằng hành động, bằng ký ức, để sau này, khi tuổi trẻ khép lại, ta có thể mỉm cười vì đã từng sống , từng cống hiến , từng hết mình và rực rỡ như thế.
Nghiêm Thị Ngọc Linh – CĐ16A7