Chiều ngày 22/3/2024, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ tổ chức Hội nghị nghiệm thu đề tài nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ do Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Dược – Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ chủ trì: “Đánh giá mức độ ô nhiễm vi nhựa trong một số sản phẩm thực phẩm, dược phẩm lưu hành trên địa bàn Tỉnh Phú Thọ” do ThS. Ngô Thị Xuân Thịnh làm chủ nhiệm.
Bà Chu Thị Bích Thủy – Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ chủ trì Hội nghị nghiệm thu
Tham gia Hội nghị có bà Chu Thị Bích Thủy – Phó giám đốc Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Phú Thọ chủ trì, cùng các chuyên gia từ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông Lâm nghiệp miền núi phía Bắc, Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì, các nhà khoa học, Trường Cao đẳng Công nghiệp thực phẩm, Chi cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế tỉnh Phú Thọ) và các đại diện Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Kế hoạch Tài chính, Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Sở Khoa học và Công nghệ Phú Thọ, Quỹ phát triển Khoa học & Công nghệ tỉnh Phú Thọ. Tới dự Hội nghị còn có các lãnh đạo Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ, Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao Công nghệ Dược, một số lãnh đạo các phòng chuyên môn của Nhà trường và các thành viên trong nhóm nghiên cứu.
ThS. Ngô Thị Xuân Thịnh đại diện nhóm nghiên cứu trình bày
tóm tắt kết quả thực hiện nghiên cứu
Sau khi nghe chủ nhiệm đề tài ThS. Ngô Thị Xuân Thịnh cùng nhóm nghiên cứu trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu với các nội dung chính:
Xây dựng và chuẩn hóa quy trình phân lập vi nhựa trong các đối tượng nghiên cứu như: Quy trình phân lập vi nhựa từ các sản phẩm nước khoáng thiên nhiên, nước suối, nước mắm, nước ép rau quả/ trái cây, nước uống thảo mộc, dấm chai, nước ngọt, café, rượu; Quy trình phân lập vi nhựa từ thịt chua; Quy trình phân lập vi nhựa từ sữa, sốt mayonnaise, hộp kem lạnh; Quy trình phân lập vi nhựa từ tương ớt, maggi (sì dầu), thạch; Quy trình phân lập vi nhựa từ đường kính, hạt nêm, mì chính, bột canh, gói muối; Quy trình phân lập vi nhựa từ dầu ăn; Quy trình phân lập vi nhựa từ siro thuốc, viên nén sủi bọt.
Đánh giá hiện trạng ô nhiễm vi nhựa trong các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm dùng đường ăn, uống đóng gói bằng bao bì nhựa sử dụng, lưu hành phổ biến trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Truy xuất nguồn gốc vi nhựa ô nhiễm và xác định được các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành vi nhựa; chỉ ra đặc tính của vi nhựa ô nhiễm (màu sắc, kích thước và hình dạng) cũng như bản chất hóa học của chúng.
Nhóm nghiên cứu đề tài chụp ảnh cùng các thành viên trong
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu
Bên cạnh đó các giải pháp kiểm soát, giảm thiểu ô nhiễm vi nhựa trong các sản phẩm thực phẩm, dược phẩm dùng đường ăn uống đóng gói bằng bao bì nhựa cũng được đề xuất: Tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng sản xuất các sản phẩm chứa bao bì nhựa. Nâng cao tiêu chuẩn sản phẩm trong đó có đồ bao gói bằng nhựa và ô nhiễm vi nhựa trong sản phẩm; Nâng cao năng lực đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị,… cho công tác kiểm tra, đánh giá sự ô nhiễm vi nhựa trong sản công; Tích cực tuyên truyền đến người dân về ô nhiễm vi nhựa, nâng cao hiểu biết và hạn chế sử dụng túi nilon, chai nhựa,… Khuyến cáo người dân sử dụng bao bì thay thế cho bao bì nhựa bao gói, đóng gói thực phẩm, dược phẩm dùng đường ăn uống; Thúc đẩy thiết kế sản phẩm theo hướng tuần hoàn vật liệu; tăng cường sử dụng vật liệu tái chế trong các sản phẩm mới.
Nhóm nghiên cứu đề tài chụp ảnh cùng lãnh đạo Nhà trường
Các thành viên Hội đồng đã thảo luận và đóng góp ý kiến và ghi nhận những kết quả bước đầu của nhóm nghiên cứu đã làm được. Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá rất cao kết quả nghiên cứu, đây là đề tài rất mới, sáng tạo và mang tính ứng dụng thực tiễn cao.
Hy vọng các kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ được ứng dụng rộng rãi vào thực tế tại địa tỉnh Phú Thọ nói riêng và cả nước nói chung để góp phần nâng cao sức khỏe cho người tiêu dùng cũng như góp phần phát triển kinh tế xã hội bền vững.
ThS. Nguyễn Ngọc Huyền