Trong thời đại bùng nổ thông tin, không khó để nhận thấy văn hóa đọc truyền thống đang đứng trước những thách thức bởi rất nhiều những hình thức tiếp cận mới từ kỹ thuật số.
Ngày nay, lượng kiến thức mà con người tiếp cận không đơn thuần là đọc từ những cuốn sách mà từ nhiều loại hình khác thông qua internet. Nhu cầu tiếp cận tri thức đang có sự chuyển dịch từ đọc truyền thống sang nhiều hình thức truyền thông, kỹ thuật số. Sự dịch chuyển này đã tạo nên những cơ hội và thách thức đối với văn hóa đọc trong đời sống.
Ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày sách Việt Nam. Sau đó, để đưa văn hóa đọc được phổ biến rộng rãi hơn, đến ngày 04/11/2021, Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam. Văn hóa đọc từ đó đã trở thành sự kiện văn hóa, một nét đẹp được lan tỏa trong cộng đồng, mang lại những giá trị đích thực và hiệu quả to lớn thu hút được nhiều bạn đọc quan tâm, tìm hiểu và giữ thói quen đọc sách.
Hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam, hàng năm Trung tâm thông tin – Thư viện Trường Cao đẳng Y Dược Phú Thọ đã tổ chức nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm sách thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên Nhà trường. Thông qua các hoạt động nhằm tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống, học tập, giảng dạy, nghiên cứu khoa học của cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên. Mặt khác thông qua hoạt động này nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển phong trào đọc sách trong toàn trường
Có thể thấy, “đọc” được xem là chìa khóa mở ra cửa sổ tri thức, dù thời kỳ nào, trong hoàn cảnh nào “đọc” vẫn là cách thức tiếp cận thông tin phổ biến và hiệu quả nhất. Việc tiếp cận tri thức là một nhu cầu tất yếu, văn hóa đọc giúp chúng ta xác định được những tiêu chí lựa chọn về hình thức hay nội dung thông tin cần tiếp cận. Biết cách đọc, hay nói cách khác “hãy là người đọc thông thái” vẫn luôn là yêu cầu cốt yếu trong mọi thời đại tiếp cận tri thức.
ThS. Hoàng Thị Hảo